Phượng Hoàng Cổ Trấn là một thị trấn cổ kính nằm tại Hồ Nam, nổi tiếng với kiểu kiến trúc cổ điển, cảnh quan đẹp bên những con đường lát đá xanh cùng lịch sử lâu đời. Nơi đây còn được mệnh danh là “thị trấn đẹp nhất Trung Quốc” và “thị trấn trong tranh”.
1. Phượng Hoàng Cổ Trấn ở đâu?
Vị trí: Phía Tây Nam tỉnh tự trị Thổ Gia Miêu, Tương Tây, Hồ Nam, Trung Quốc
Đặc trưng: Phố cổ, di tích văn hóa và lịch sử
Thời gian tham quan khuyến nghị: 1 – 2 ngày
Giá vé: Miễn phí. Có thể mua vé giá 148 tệ/người/2 ngày sử dụng cho những điểm tham quan được chỉ định.
Phượng Hoàng Cổ Trấn Trung Quốc nằm bên sông Đà và được xây dựng từ năm 1704, thời Hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh. Nơi đây có diện tích khoảng 10km2 và là nơi sinh sống của 28 dân tộc. Du khách khi đến đây có thể chiêm ngưỡng ngôi nhà sàn 100 năm tuổi, dạo bước trên những con đường lát đá xanh sau cơn mưa, đi thuyền du ngoạn trên sông Đà hoặc leo lên các tháp cổ để cảm nhận không khí thăng trầm của thành phố.
Năm 2001, Phượng Hoàng Cổ Trấn được phong tặng danh hiệu Thành phố Lịch sử và Văn hóa Quốc gia, là thành phố lịch sử và văn hóa nổi tiếng của Trung Quốc, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia AAAA và là một trong mười di sản văn hóa hàng đầu của Hồ Nam. Vào ngày 25 tháng 5 năm 2006, Lâu đài cổ Phượng Hoàng được Hội đồng Nhà nước Trung Hoa công bố là đơn vị bảo vệ di tích văn hóa trọng điểm quốc gia đợt thứ sáu.
2. Hướng dẫn di chuyển đến Phượng Hoàng Cổ Trấn
2.1 Thủ tục cần thiết trước khi đi Phượng Hoàng Cổ Trấn
Để đến được Phượng Hoàng Cổ Trấn đầu tiên chúng ta cần xin visa. Hồ sơ chuẩn bị cần thiết bao gồm:
– Hộ chiếu: Chuẩn bị 1 bản gốc và 1 bản photo size A4 tất cả các trang có thông tin cá nhân và thông tin xuất nhập cảnh. Ngày hết hạn trên 6 tháng và còn 1 trang trống dán visa.
– Tờ khai xin visa Trung Quốc: Tải đơn trên website Visa for China về điền, điền trực tuyến trên website hoặc điền tại chỗ nộp hồ sơ, ngôn ngữ sử dụng Trung – Anh hoặc Trung – Việt.
– Ảnh thẻ: Kích thước 4×6, chụp trong vòng 6 tháng gần nhất trên nền trắng, không mặc áo trắng/sọc, tóc tai gọn gàng. Mặt sau ảnh ghi chú họ tên, ngày tháng năm sinh và số passport.
– Giấy tờ chứng minh lưu trú hoặc cư trú hợp pháp: Gồm 1 bản gốc căn cước công dân và 1 bản photo trên cùng 1 mặt giấy A4.
– Giấy tờ chứng minh công việc: Cán bộ công nhân viên cần có hợp đồng lao động hoặc giấy quyết định tuyển dụng, đơn đồng ý xin nghỉ phép của công ty có dấu mộc. Chủ sở hữu doanh nghiệp cần có bản sao giấy đăng ký kinh doanh kèm mộc đỏ công ty.
– Giấy tờ chứng minh tài chính: Bản gốc xác nhận và giấy sao kê sổ tiết kiệm ngân hàng với số dư tối thiểu 50 triệu đồng, cũng có thể thay thế bằng giấy tờ chứng minh tài sản khác.
– Xác nhận đặt vé máy bay Trung Quốc khứ hồi.
– Xác nhận đặt phòng khách sạn.
– Lịch trình du lịch Trung Quốc Phượng Hoàng Cổ Trấn
2.2 Phương tiện di chuyển đến cổ trấn
Máy bay: Hiện chưa có chặng bay thẳng từ Việt Nam đến Phượng Hoàng Cổ Trấn Trung Quốc, chúng ta phải mua vé bay đến Trương Gia Giới sau đó đi xe bus tới. Một số trường hợp còn phải dừng tại Quảng Châu rồi tiếp tục trung chuyển.
Tàu hỏa: Hành trình thích hợp cho những bạn ở khu vực phía Bắc, khuyết điểm là thời gian di chuyển lâu và phải trung chuyển khá nhiều lần. Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc Phượng Hoàng Cổ Trấn bằng tàu mà VALISG.COM tổng hợp được là phải mua vé từ Gia Lâm đến Nam Ninh, sau đó lại mua vé từ Nam Ninh đi ga Cát Thủ ở Trương Gia Giới khoảng 15 tiếng. Cuối cùng bạn bắt xe bus từ Trương Gia Giới tới Phượng Hoàng Cổ Trấn, mất thêm khoảng 3 tiếng rưỡi.
Xe khách: Phương tiện tiết kiệm nhất nhưng tốn thời gian và sức lực. Để di chuyển bằng xe khách đầu tiên chúng ta cần mua vé xe chất lượng cao từ Hà Nội đến Cửa khẩu Hữu Nghị, sau đó đi xe điện sang biên giới làm thủ tục xuất nhập cảnh: xuất trình hộ chiếu, visa và điền tờ khai nhập cảnh. Cuối cùng bạn đi xe bus từ cửa khẩu Trung Quốc đến ga tàu Nam Ninh, rồi từ Nam Ninh đi ga Cát Thủ tại Trương Gia Giới.
3. Những điểm tham quan không thể bỏ lỡ tại Phượng Hoàng Cổ Trấn
3.1 Lạc bước trên cầu đá nhảy
Cầu đá nhảy (汀步桥) được biết đến như địa điểm check-in hàng đầu tại Phượng Hoàng Cổ Trấn. Cây cầu độc đáo này nằm trên sông Đà, bên ngoài Bắc Môn và được xây dựng từ năm Khang Hy thứ 43 đời nhà Thanh.
Cầu đá nhảy có chiều dài 100m, được xây dựng từ các cột đá hình trụ vuông, được xếp thành hàng cách nhau nửa bước chân, bên dưới là nước sông hiền hòa róc rách chảy.
3.2 Chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc khác biệt tại Đoạt Thúy Lâu
Ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, các nhóm nhà sàn nằm bên sông Đà Giang và có lịch sử 100 năm là một trong những khung cảnh ấn tượng và ngoạn mục nhất.
Khu vực nhà sàn tập trung, gọn gàng và đẹp nhất nằm ở hai bên cầu Hồng Kiều. Nổi bật trong số đó có Đoạt Thúy Lâu (夺翠楼).
Thật đáng tiếc là số lượng các tòa nhà sàn cũ hướng ra sông đang dần giảm đi.
3.3 Phượng Hoàng Hồng Kiều nối liền hai bờ Đà Giang
Phượng Hoàng Hồng Kiều (凤凰虹桥) tọa lạc ngay trung tâm phố cổ và được xây dựng vào năm 1368. Ban đầu đây là một cây cầu vòm bằng đá nối hai bờ Đà Giang.
Hồng Kiều dài 112m, rộng 8m và cao 10,2m với tải trọng 80 tấn. Từ trên tòa nhà, bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh tuyệt mỹ của bờ sông Đà Giang.
Đặc biệt về đêm, khi các ngọn đèn chiếu sáng dọc bờ sông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đêm quyến rũ lạ thường, với dòng nước chảy nhẹ nhàng, gió mát thổi, tiếng nhạc và sự phản chiếu của ánh đèn nhuộm dòng sông thành một khung cảnh tuyệt đẹp.
3.4 Quần thể kiến trúc cổ Điếu Cước Lâu
Quần thể Điếu Cước Lâu (吊脚楼) tọa lạc tại phía đông nam Phượng Hoàng Cổ Trấn, mặt trước là con đường cổ xưa và phía sau nhô ra Đà Giang.
Đây là một trong những quần thể kiến trúc cổ mang đậm nét kiến trúc Miêu đặc trưng. Những nơi có độ dốc khá lớn nên nơi đây có cảm giác khá chông chênh khi mới chiêm ngưỡng, nhưng nhờ có trụ lớn chống nên khá vững chắc và an toàn.
Các ngôi nhà có thể được xây dựng từ 2 đến 3 lầu tùy theo nhu cầu, kết hợp với ban công nhô ra phía trước để nới rộng không gian.
3.6 Nơi ở của Thẩm Tòng Văn tại Phượng Hoàng Cổ Trấn
Nơi ở cũ của Thẩm Tòng Văn (沈从文故居) được xây dựng vào năm 1866 bởi ông nội của Thẩm Tòng Văn.
Nơi đây có trưng bày chữ viết tay, bản thảo, hài cốt, chân dung và câu chuyện cuộc đời của nhà văn vĩ đại này ở Trung Quốc.
Ngoài ra, khi đến đây du khách cũng còn được chiêm ngưỡng tòa nhà hơn 100 năm tuổi mang những đặc điểm tiêu biểu vào cuối triều đại nhà Thanh với những đồ trang trí tinh xảo ở khắp mọi nơi tràn ngập nét quyến rũ cổ xưa.
3.7 Nhà thờ tổ tiên họ Dương đậm văn hóa địa phương
Nhà thờ tổ tiên họ Dương (杨家祠堂) thuộc quyền sở hữu của nhà họ Dương, một trong những gia đình quyền quý và nổi tiếng của Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Tại nhà thờ tổ tiên họ Dương khách du lịch Trung Quốc sẽ có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống – văn hóa của người dân địa phương và những gia đình truyền thống tại Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Được xây dựng vào thế kỷ 18, công trình được làm bằng gỗ với kiến trúc độc đáo theo phong cách Trung Quốc cổ điển.
3.8 Cung điện Triều Dương, kiệt tác kiến trúc cổ
Cung điện Triều Dương(朝阳宫) hay Trần gia từ đường, là kiệt tác từ đường hoàn chỉnh nhất trong số các tòa nhà mang phong cách kiến trúc cổ điển cận đại tại Phượng Hoàng Cổ Trấn. Cổng Cung Triều Dương là tháp cổng bằng gạch đỏ tím, cao 8m.
3.9 Cung điện Trường Thọ mang bức tranh sông núi trang nhã
Cung điện Trường Thọ (万寿宫) sở hữu cảnh quan đẹp như một bức tranh thiên nhiên lộng lẫy với những ngọn núi và vùng nước thanh nhã.
Du khách ghé thăm sẽ được chiêm ngưỡng những đồ trang trí được thiết kế đặc biệt và những hình chạm khắc tinh xảo trên các cụm tòa nhà.
Năm Hàm Phong thứ 4 đời Thanh (1854), Dương Tư người Giang Tây xây dựng Hạ Xương Lầu ở phía tây; năm thứ 17 Trung Hoa Dân Quốc (1928) Dương Lâu được xây dựng ở phía bắc.
4. Những hoạt động hàng đầu không thể bỏ lỡ
Sau đây là những hoạt động hàng đầu mà cẩm nang du lịch của VALISG.COM mách bạn không thể bỏ lỡ:
– Chụp ảnh ghi lại phong cảnh đẹp: Phong cảnh Phượng Hoàng cổ trấn vào sáng sớm khá đẹp, khoảng 6h – 7h phố cổ vẫn còn chưa thức giấc. Ngoài ra, cảnh đêm trên Đà Giang cũng quyến rũ và say đắm lòng người không kém, đặc biệt là sau cơn mưa.
– Khám phá nhà sàn người Thổ Gia: Một trong những nét nổi bật của Phượng Hoàng Cổ Trấn Trung Quốc chính là những tòa nhà sàn cổ kính mang đầy nét quyến rũ của người thiểu số Thổ Gia.
– Tản bộ trên các cung đường của Phượng Hoàng Cổ Trấn vào ngày mưa: Đi trên con đường dài dưới mưa, bắt gặp những chiếc ô giấy dầu và nghe bước chân gõ nhẹ trên nền đường lát đá. Một khung cảnh thơ mộng mà ngày nay khó có thể tìm được ở đâu khác.
– Đua thuyền rồng sôi động: Phượng Hoàng Cổ Trấn rất sôi động vào ngày Tết Đoan Ngọ. Người dân địa phương sẽ hợp sức để tham gia cuộc đua thuyền rồng và du khách cũng có cơ hội bắt vịt.
– Chèo thuyền trên sông Đà: Chèo thuyền dọc Đà Giang (沱江泛舟) chắc chắn là bạn có thể ngắm nhìn những tòa nhà sàn, Cung Trường Sinh, Tháp Vạn Minh… với cảm giác như đang rời xa thế giới ồn ào thường nhật.